ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA VIÊM MŨI XOANG MẠN TÍNH

PHÒNG KHÁM TAI MŨI HỌNG
Bác Sĩ Hải Ngọc
Địa chỉ: 588 Nguyễn Oanh, P.6, Gò Vấp, TPHCM
Hotline

0974 920 115

ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA VIÊM MŨI XOANG MẠN TÍNH
Ngày đăng: 10/03/2022 09:15 AM

1. Một số thông tin mà các bạn nên biết về bệnh viêm mũi xoang hiện nay:

  • Viêm mũi xoang là một thử thách thường gặp của ngành y tế Việt Nam, với tỉ lệ bệnh là gần 15% trong dân số trưởng thành. Bệnh cũng là nguyên nhân cho hàng trăm lượt khám mỗi năm tại phòng khám tai mũi họng Hải ngọc.
     
  • Vị trí xoang và mũi bị tắc rất quan trọng. Phức hợp ngách mũi xoang là điểm mấu chốt trong việc viêm mũi phát triển thành viêm xoang. Viêm hay nghẽn do một khối chèn ép làm tắc dẫn lưu từ các xoang làm tích tụ dịch tiết và tạo môi trường cho vi trùng phát triển.
  • Các dấu hiệu trên lâm sàng như đau mặt, nghẹt mũi, mất mùi, chảy mủ hôi, sốt… thường gặp, nhưng không đặc hiệu bằng khám nội soi tai mũi họng và chụp CT-Scan.
     
  • Điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật có thể giải quyết hầu hết các bệnh lý viêm xoang.
     
  • Tuy nội khoa là cách điều trị được khuyến cáo đầu tiên, nhưng ít hiệu quả vì viêm mũi xoang mạn tính có nhiều yếu tố khác nhau gây bệnh. (nhiễm siêu vi, trào ngược dạ dày thực quản, bất thường cấu trúc giải phẫu gây tắc nghẽn, suy giảm miễn dịch, di truyền, bệnh bẩm sinh, do thuốc…)
     
  • Chỉ định thường gặp nhất của phẫu thuật xoang là viêm mũi xoang không đáp ứng với thuốc, nghẽn xoang (do polyp, conchabullosa, vẹo vách ngăn), nấm xoang, viêm xoang do sâu răng, bệnh tái phát nhiều lần, hoặc đã có các biến chứng như đa polyp, khối u tân sinh, biến chứng lên mắt, áp xe não, viêm màng não...

2. Tác nhân gây dị ứng và kích ứng ảnh hưởng như thế nào?

  • 30% người trưởng thành bị dị ứng với ít nhất một tác nhân dị ứng trong không khí, và tỉ lệ này còn cao hơn ở các bệnh nhân có tiền sử bị viêm xoang mạn tính.
     
  • Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm hư hại khả năng bảo vệ của lông chuyển ở niêm mạc và làm nhạy cảm với các tác nhân dị ứng thông thường trong không khí.
  • Tránh tiếp xúc với khói, khí ô nhiễm và tác nhân kích ứng trong môi trường làm việc để chống lại yếu tố bất lợi này

3. Nên bơm rửa bằng nước muối sinh lý mỗi ngày

  • Dùng nước muối sinh lý trong mũi làm giảm triệu chứng ở mũi và tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm mũi xoang.
     
  • Nước muối có tác dụng làm tăng hoạt động của các tế bào lông chuyển, co mạch làm giảm triệu chứng và làm sạch các bụi bẩn, phấn hoa… Bệnh nhân viêm mũi xoang mạn nên dùng nước muối sinh lý bơm rửa ít nhất 2 lần mỗi ngày.

4. Thuốc kháng viêm corticosteroid

  • Đây là một chất kháng viêm, gây ức chế miễn dịch và có liên quan mật thiết với nhiễm trùng. Tuy vậy, dùng steroid trong thời gian ngắn có thể tác dụng kháng viêm hiệu quả trong điều trị sung huyết nặng của niêm mạc mũi.
     
  • Phải luôn ghi nhớ trong đầu tác dụng ngược của steroid toàn thân và những chống chỉ định bao gồm: tiểu đường, loét dạ dày, cườm nước, tăng huyết áp nặng và xốp xương nặng. Ngay cả một đợt steroid ngắn ngạn cũng có thể làm tăng huyết áp và mức đường huyết đáng kể ở bệnh nhân bị tăng huyết áp và tiểu đường.
     
  • Vì vậy, các bạn không nên tự ý dùng thuốc kháng viêm mà nên có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

5. Chất chống sung huyết:

  • Chất chống sung huyết là một đồng vận α-adrenergic gây ra phản ứng giao cảm, làm co các mạch máu niêm mạc đang bị giãn, nhờ vậy mà giảm xuất tiết và phù nề niêm mạc.
     
  • Chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, vì dùng lâu ngày sẽ xuất hiện sự đề kháng của mũi, khi đó thuốc không còn hiệu quả nữa.

6. Kháng sinh

  • Kháng sinh đầu tay đối với viêm mũi xoang là amoxicillin-clavulanate và cephalosporins thế hệ 2,3. Quinolones đường hô hấp là thuốc được lựa chọn tiếp theo trong trường hợp kháng thuốc lựa chọn đầu.
     
  • Vi khuẩn phát triển nhiều cơ chế kháng thuốc khác nhau. Biến đổi protein gắn penicillin là cơ chế kháng thuốc thường gặp ở vi khuẩn Streptococcus pneumoniae.
     
  • Hầu hết điều trị viêm mũi xoang bằng kháng sinh phổ rộng trong vòng 3 tuần. Sau 3-5 ngày điều trị, các triệu chứng sẽ giảm. Sau 10-15 ngày điều trị, các triệu chứng sẽ hết. Việc tiếp tục điều trị thêm 1 tuần là để tiếp tục loại trừ phù niêm mạc và tái lập hoạt động chức năng của lông chuyển để chống lại đợt nhiễm khuẩn mới.

Vì vậy các bạn không nên tự ý ngưng dùng thuốc của bác sĩ đã kê toa, mặc dù các triệu chứng lúc này đã thuyên giảm.

Google Map
Zalo
Hotline